“Thói Quen hình thành Tính Cách, Tính Cách hình thành Số Phận”. Đây là một câu nói rất nổi tiếng mà có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua . Câu nói ấy đã giúp chúng ta thấy rõ được tầm quan trọng của việc hình thành thói quen. Những thói quen tốt sẽ tạo nên một tương lai tươi đẹp, còn những thói quen xấu thì ngược lại. Hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu và thảo luận xem đâu là những thói quen tốt mà chúng ta nên hình thành nhé.
1. Journaling: viết “nhật ký” để trưởng thành hơn
Journaling là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà mình nghĩ bất kỳ ai cũng nên luyện tập. Đây là một hình thức ghi chép theo kiểu viết nhật ký hàng ngày. Tuy nhiên, mình sẽ không chỉ ghi lại những sự việc đã xảy ra. Chúng ta sẽ đào sâu hơn vào mặt suy nghĩ, cảm xúc và thái độ của chúng ta khi đối mặt với những việc đó. Điều này sẽ giúp chúng ta nhìn rõ được sự thay đổi của bản thân và thấu hiểu hơn về chính mình.
Journaling là một trong những phương pháp tốt nhất để phát triển bản thân và giúp chúng ta trưởng thành nhanh hơn.
Điều hay ở đây là Journaling không tuân theo cách viết hay quy luật cụ thể nào cả. Nó chỉ đơn giản là chúng ta tự viết lại hành động và suy nghĩ/cảm xúc của chíng mình về hành động đấy. Mình chẳng cần viết hoa, chẳng cần viết đúng dòng kẻ, chẳng cần phải đúng ngữ pháp chính tả, thậm chí cũng chẳng cần đọc lại luôn. Hôm nay có thể bạn sẽ viết ngây ngô như một đứa trẻ, nhưng ngày mai lại viết về những áp lực cơm áo gạo tiền. Hãy nhớ rằng, không có đúng hay sai ở trong Journaling.
Hình thức này có lẽ chưa quá phổ biến ở Việt Nam vì mình thấy khá ít người chia sẻ về nó. Tuy nhiên, ở bên nước ngoài thì mình thấy ngược lại. Nếu có thể hiểu tiếng Anh thì mình khuyên các bạn có thể đọc thêm trên Website hoặc Youtube của các bạn KOL nước ngoài để hiểu hơn nhé. Bật mí thêm, đây là một trong những thói quen hàng ngày của tỉ phú Warren Buffet – người giàu nhất thế giới trên thị trường chứng khoán đấy.
2. Morning Routine: Thói quen/Lịch trình buổi sáng để tỉnh táo suốt cả ngày
Morning routine (Lịch trình buổi sáng) là một chuỗi các thói quen nhỏ mà mình sẽ lặp đi lặp lại hàng ngày vào mỗi buổi sáng để giúp mình luôn luôn tỉnh táo và tập trung suốt cả ngày. Mỗi người sẽ có một Morning routine khác nhau, tuỳ theo nhu cầu và sở thích của cá nhân. Ví dụ, mình luôn pha cà phê ngay khi thức dậy, tuy nhiên những bạn bị dị ứng cà phê sẽ không thể làm theo mình được.
Về tác dụng của Morning routine, việc lặp lại các hành động này vào mỗi buổi sáng sẽ giúp bạn “lên dây cót” cho cả một ngày dài. Bạn cứ tưởng tượng nó giống như việc đẩy một quả cầu tuyết từ trên đỉnh núi xuống vậy, chỉ cần ban đầu bạn đẩy cho nó lăn nhẹ thôi thì sau đó nó sẽ lăn nhanh dần. Mục đích của việc có một buổi sáng hoàn hảo chính là để tạo đà cho cả ngày.
Bạn có thể tham khảo phương pháp để có một buổi sáng hoàn hảo của giáo sư tiến sĩ Andrew Huberman – giáo sư trường đại học Stanford tại đây nhé. Nó sẽ ở level cao và độ khó cũng rất cao nên mình khuyên các bạn hãy bắt đầu tự tạo cho mình một Morning routine dễ trước, sau này làm theo phương pháp nâng cao kia cũng được. Việc gì cũng phải đi từ cơ bản rồi mới đến nâng cao mà.
3. Tập thể dục mỗi ngày
Điều này thì có lẽ không cần nói quá nhiều rồi, từ Đông sang Tây từ cổ chí kim ai ai cũng khuyên chúng ta nên tập thể dục hàng ngày. Không tập Gym thì mình có thể chọn Yoga, Pilates, Calisthenic, hay chỉ đơn giản là đi bộ thể dục như các bà các bác là được. Lợi ích của việc này thì chúng ta đều đã được dạy từ nhỏ nên mình sẽ không đề cập lại nữa. Mình chỉ note lại một ý là ai ai cũng có đủ thời gian để tập thể dục. Dù bạn có bận đến đâu đi nữa thì việc dành ra 15 phút mỗi ngày là hoàn toàn khả thi. Chẳng qua là mình thấy nó không quan trọng đến thế nên mình mới lấy việc “bận” ra làm cái cớ thôi. Do vậy, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng chăm chỉ lên để có một sức khoẻ tốt nhé.
4. Brain dump: Đổ “rác” cho bộ não
Mình thật sự không biết dịch cụm từ này sang tiếng Việt thế nào nên các bạn thông cảm nhé. Brain dump cũng gần tương tự với Journaling mà mình đã đề cập ở mục 1 vậy. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là Journaling sẽ là viết ra những sự việc và cảm nghĩ của mình về nó. Trong khi đó, với Brain dump, mình sẽ viết ra tất cả những gì mình đang suy nghĩ trong đầu tại thời điểm đấy. Những gì mình viết ra sẽ chẳng theo 1 logic hay quy luật nào cả, thậm chí là những câu từ chẳng có nghĩa gì.
Ví dụ, có bao giờ bạn đi ngủ mà tự nhiên trong đầu cứ phát đi phát lại một bài nhạc nào đó? Xong chỉ 1 giây sau bạn lại nghĩ xem mai ăn gì, rồi lại nghĩ bà bán xôi đầu ngõ mình hôm nay trông già nhỉ…? Những suy nghĩ này sẽ khiến chúng ta bị trằn trọc và khó ngủ. Mình tin là ai cũng có những lúc nằm nghĩ linh tinh như vậy.
Vậy nên, trước khi đi ngủ chúng ta hãy thực hiện Brain dump. Hãy viết ra hết những suy nghĩ trong đầu bạn để “đổ rác” cho bộ não. Não chúng ta là để suy nghĩ chứ đâu phải nơi để chứa rác đâu, hãy đổ hết chỗ “rác” đấy ra giấy nhé. Như vậy thì mình sẽ đầu chúng ta sẽ “rộng” hơn, thoáng hơn để suy nghĩ và chứa những điều quan trọng.
Một lưu ý nhỏ là bạn có thể dùng Brain Dump bất cứ lúc nào trong ngày mà bạn cảm thấy thuận tiện. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên mình nên làm vậy vào buổi sáng lúc mới thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Làm vào buổi sáng sẽ giúp chúng ta “dọn” những suy nghĩ rác để chừa chỗ trống cho những điều quan trọng. Làm vào buổi tối sẽ giúp chúng ta dọn hết những suy nghĩ linh tinh gây mất ngủ kia đi. Tuỳ theo nhu cầu cá nhân mà bạn có thể chọn 1 trong 2, hoặc là cả 2 nhé
5. Đọc sách hàng ngày
Sau khi đã “dọn rác” cùng Brain dump rồi thì chúng ta cũng cần nạp thêm nhiều kiến thức quan trọng để lấp đầy khoảng trống đó chứ nhỉ. Đọc sách là một thói quen tuyệt vời mà ai cũng nên có. Các bạn có thể để ý thấy rằng, không phải ai đọc sách cũng thành tỉ phú, tuy nhiên gần như tỉ phú nào cũng đọc nhiều sách.
Thật sự là để nói hết được tầm quan trọng của việc đọc sách thì có lẽ mình phải viết 300 trang giấy mất. Thật khó để hình dung có nguồn kiến thức nào rẻ mà chất lượng hơn sách cả. Hơn 40 – 50 năm kinh nghiệm sống của một người được đúc kết lại thành một quyển sách 200 trang với giá chỉ vài trăm nghìn. Và chúng ta chỉ cần dành khoảng 10 tiếng là đã đọc và hiểu được phần nào mấy chục năm kinh nghiệm đó!!
Mình thấy có một suy nghĩ rất độc hại rằng đọc sách là “lý thuyết” và không thể áp dụng được. Tuy nhiên, việc không áp dụng được là hoàn toàn do người đọc. Ở ngoài kia có hàng trăm nghìn quyển sách được xuất bản mỗi năm, trong đó sẽ có sách hay sách dở. Việc đọc được sách hay hay không là do khả năng chọn lựa của chúng ta. Bạn chọn nhầm sách dở không có nghĩa rằng tất cả những quyển sách trên thị trường đều là dở. Ngoài ra, việc đọc khác với việc áp dụng. Giả sử bạn đọc một quyển sách dạy marketing online để bán hàng, tuy nhiên bạn lại sợ thua lỗ và không dám bỏ tiền nhập hàng về bán. Như vậy lỗi là ở bạn hay lỗi tại quyển sách đó quá “lý thuyết”?. Tóm gọn lại, mình vẫn tin chắc chắn rằng việc đọc sách là rất tốt. Nếu muốn hiểu sâu hơn về những cách đọc sách hiệu quả và cách áp dụng thì bạn có thể tìm đọc thêm trên trang blog này của mình mục Năng suất làm việc nhé!
Trên đây là 5 thói quen mà mình đánh giá là quan trọng nhất. Nó có thể khó nhưng nếu thực hiện được hàng ngày và duy trì trong một khoảng thời gian dài thì kết quả mình nhận được sẽ cực kỳ lớn. Do đó, chúng ta hãy cùng cố lên nhé!
“Suy nghĩ tạo nên hành động. Hành động tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận”
Chúc cho chúng ta sẽ luôn thành công trong việc hình thành những thói quen tốt!