Home » Blog » Phương pháp đọc sách hiệu quả giúp mình nhớ mọi thứ đã đọc

Phương pháp đọc sách hiệu quả giúp mình nhớ mọi thứ đã đọc

Sách là một nguồn tri thức vô hạn của nhân loại, là một thứ vũ khí lợi hại cho bất cứ ai biết sử dụng nó. Thật khó để có thể miêu tả được hết tầm quan trọng của việc đọc sách. Từng quyển sách là sự kết tinh của 40-50 năm kinh nghiệm sống của tác giả và nếu như có một phương pháp đọc sách hiệu quả, chúng ta chỉ cần bỏ ra vài tiếng đồng hồ để có thể hiểu được phần nào mấy chục năm kinh nghiệm đó.

Tuy nhiên, có một vấn đề là đọc sách và áp dụng những kiến thức đó vào thực tế là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Chúng ta thường đọc được những bài viết trên mạng hướng dẫn rằng đọc sách xong phải highlight những ý chính, phải có quyển sổ để ghi chép lại… Tuy nhiên, mình tin chắc rằng nếu chỉ làm theo những mẹo đơn giản đó thì kiến thức chúng ta học được vẫn sẽ mãi chỉ là lý thuyết suông. Thậm chí, chúng ta sẽ quên tất cả những gì mình đã đọc chỉ sau vài tháng.

Mình cũng vậy, cũng đã từng vật lộn mãi mới đọc xong cuốn sách đầu tiên (cuốn đầu tiên mình đọc là Đắc Nhân Tâm vào hồi 2017), cũng ghi ghi chép chép ra sổ rồi dùng bút nhớ tô màu như hướng dẫn trên mạng. Tuy nhiên, cuối cùng thì mình cũng chẳng thể nhớ và ứng dụng được những điều hay ở trong quyển sách đó. Nếu bạn cũng đang gặp phải vấn đề tương tự như mình ngày trước thì hãy đọc đến hết bài post này nhé. Dưới đây là 6 level của việc đọc sách. Hãy lấy giấy bút hoặc mở Apple note lên và chúng ta sẽ cùng nhau chinh phục level cuối cùng để có thể nhớ được tất cả các cuốn sách đã đọc nhé.

Level 1: Đọc nhưng ko note

Đây là level nhập môn mà bất cứ ai cũng phải trải qua. Ở level này, chúng ta sẽ chỉ đọc sách thôi chứ không note hay highlight gì cả. Chúng ta đọc rất nhiều về những chủ đề mà mình quan tâm như tài chính, marketing, self-help…

Tuy nhiên, vì mới bắt đầu xây dựng thói quen đọc sách nên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, và chúng ta đinh ninh rằng mình sẽ nhớ hết được mọi thứ. Mình cũng vậy, lúc đó mình còn nghĩ trong đầu rằng quyển sách này hay thế thì làm sao mà quên được. Tuy nhiên đời không như là mơ, chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng là mình đã quên sạch. Điều này hoàn toàn không phải do lỗi của bạn. Chúng ta rất muốn nhớ nhưng tiếc là trí nhớ của con người thường không tốt.

Các bạn có thể tham khảo thêm về khái niệm “Forgetting curve” (mình sẽ tạm dịch là Đồ thị của sự quên lãng) do nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus đưa ra để hiểu hơn về lý do tại sao chúng ta lại hay quên thế nhé. Về cơ bản thì theo nghiên cứu của ông, nếu kiến thức không được chuyển sang vùng “Trí nhớ dài hạn” (Long-term memory) thì chúng sẽ mắc kẹt ở “Short-term memory” và bị đào thải rất nhanh. Cách duy nhất để nhớ được là chúng ta phải áp dụng những kiến thức đó vào thực tế và lặp lại liên tục (active learning).

Level 2: Đọc và highlight

Ở level thứ 2, chúng ta đã nhận ra rằng, nếu chỉ đọc thôi thì sẽ chẳng bao giờ nhớ được. Do đó chúng ta bắt đầu highlight lại những ý chính với suy nghĩ một lúc nào đó mình sẽ mở ra đọc lại. Tuy nhiên thường thì cái “một lúc nào đó” sẽ không bao giờ xảy ra.

đọc sách hiệu quả nhưng chỉ highlight
Chúng ta đều đã từng highlight bằng đủ các màu và note kín giấy như thế này

Vấn đề ở đây là sau khi đã đọc xong rồi thì chúng ta sẽ rất ngại mở ra đọc lại. Thay vào đấy, mình sẽ đọc sang quyển mới luôn chứ đâu cần phải đọc đi đọc lại 1 quyển. Ngoài ra thì theo khái niệm “Forgeting curve” ở trên, việc highlight này vẫn không phải active learning nên nó sẽ không có ích gì trong việc giúp bạn nhớ lâu hơn cả.

Level 3: Note lại những phần đã highlight

Đến với level thứ 3, chúng ta biết được rằng việc “giấu” những phần highlight đó vào trong sách là không hiệu quả. Do đó, chúng ta sẽ copy những phần highlight này và lưu vào một app ghi chú nào đấy. Lúc này thì việc tìm kiếm thông tin đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều rồi.

Ngoài ra thì mình cũng có thể copy những dòng highlight này và chuyển vào Readwise. Ứng dụng này sẽ tự động chọn ra 1 số câu highlight ngẫu nhiên và gửi về email của bạn hàng ngày. Việc này nghe có vẻ rất hay tuy nhiên thì sau một năm sử dụng, mình thấy tính năng này giống spam hơn nên đã huỷ subscribe. Bên cạnh đó thì Readwise cũng có một mức giá cực kỳ chát, khoảng hơn 2 triệu một năm nên mình càng có thêm quyết tâm để chia tay ứng dụng này.

ví dụ về highlight
Mình từng sử dụng Readwise để lưu trữ note trong khoảng hơn 1 năm

Tóm lại thì việc copy và paste highlight từ sách ra app rất đơn giản và “công nghiệp”. Do đó, chúng ta sẽ gần như không có sự “kết nối” với những dòng highlight kia.

Level 4: Đưa ra cảm nhận và quan điểm cá nhân về quyển sách

Ở level thứ 4 của việc đọc sách hiệu quả, bên cạnh những dòng note/highlight khô khan, chúng ta sẽ ghi thêm những cảm nhận cá nhân của mình về quyển sách đó. Việc này giống như chúng ta viết cảm thụ văn học hồi cấp 3 vậy. Bạn sẽ note ra những ý như quyển sách phù hợp với ai, bạn thấy nó có hữu ích không, quyển sách này đã thay đổi cuộc sống và con người bạn như thế nào, bạn chấm quyển sách này bao nhiêu điểm…

đọc sách hiệu quả bước 4
Ví dụ của mình khi note về quyển Thói quen nguyên tử (Atomic Habits) - level 4

Nó sẽ giúp bạn thực sự “kết nối” với quyển sách vừa đọc và qua đó nhớ lâu hơn. Theo mình thì chúng ta có thể dừng lại ở đây là đủ rồi. Tuy nhiên, nếu các bạn muốn sử dụng tối đa kiến thức mà mình đã mất công học thì hãy đồng hành cùng mình đến 2 level tiếp theo nhé. Cố lên, chúng ta sắp “phá đảo” hết các màn chơi rồi.

Level 5: Thêm phần tóm tắt từng chương (quick note)

Đến với level thứ 5, chúng ta vẫn sẽ làm hết các bước như ở trên. Tuy nhiên, lúc này mình sẽ tóm tắt thêm các ý chính của sách bằng ngôn ngữ của riêng mình, sau đó đưa ra nhận xét cá nhân về việc tại sao mình lại đồng tình (hoặc phản đối) với những ý kiến đó của tác giả. Điều này nghĩa là mình sẽ đọc lướt lại cả quyển sách 1 lần để tìm những ý chính đã highlight, sau đó dùng chính ngôn từ của mình để đánh giá và phát triển các ý đó.

Việc này sẽ giúp chúng ta hiểu cặn kẽ mọi kiến thức được đưa ra trong sách, qua đó sẽ nhớ lâu hơn và khi đọc lại cũng dễ hiểu hơn rất nhiều. Các bạn có thể chọn tóm tắt theo từng chương hoặc tóm tắt theo từng ý chính cũng được. Cá nhân mình sẽ tuỳ thuộc xem nội dung quyển sách đó là gì để chọn cách tóm tắt phù hợp.

Ví dụ như với quyển “Xây dựng Bộ não thứ hai” (Building the Second Brain), mình sẽ tóm tắt theo những ý chính vì mình cảm thấy các chương (chapter) của quyển này bị trùng lặp nội dung khá nhiều.

Đọc sách hiệu quả level 5
Ví dụ của mình khi tóm tắt quyển Second Brain - level 5

Ngược lại, quyển “Tâm lý học về tiền” hoặc “Epic content marketing” sẽ phù hợp để tóm tắt theo từng chương hơn vì như vậy sẽ giúp chúng ta dễ dàng nắm được bố cục tổng quan của cả quyển sách.

Đọc sách hiệu quả level 5

Đây là một bước nâng cao và khá tốn thời gian cũng như công sức của chúng ta. Mình sẽ phải thực sự suy nghĩ rất sâu và đa chiều để phản biện (hoặc đồng tình) với quan điểm của tác giả. Chính vì suy nghĩ nhiều như vậy nên mình cũng sẽ hiểu sâu, nhớ rất lâu và có thể áp dụng được những quan điểm mới mẻ đó vào cuộc sống.

Level 6: Tạo Evergreen note 

Đến với level cuối cùng, chúng ta sẽ biến những dòng note trên thành “Ever green note”. Để giải thích về khái niệm này, đầu tiên chúng ta cần phải đồng ý với nhau rằng mục tiêu của mình không phải làm sao để note được nhiều sách nhất, cũng không phải làm sao để take note hiệu quả nhất. Mục tiêu duy nhất của toàn bộ hệ thống note này là thông qua việc đọc sách một cách hiệu quả, chúng ta sẽ có một cái nhìn đa chiều hơn và qua đó, có tư duy tốt hơn về mọi vấn đề trong cuộc sống.

Chính vì vậy, nếu chúng ta chỉ note thôi thì chưa đủ. Đó vẫn chỉ là “transient note” (note ngắn hạn). Chúng ta cần biến chúng thành “ever green note” (note vĩnh cửu). Bạn hãy sử dụng Notion, Obsidian, Evernote hoặc bất kỳ ứng dụng nào có khả năng kết nối (link) các ý tưởng với nhau. Sau đó chúng ta sẽ link các ý liên quan đến nhau của các phần tóm tắt sách lại để tạo nên một mạng lưới dữ liệu khổng lồ. Mình thật sự không biết sử dụng ngôn từ hay hình ảnh nào để có thể giải thích ý nghĩa của khái niệm này một cách trọn vẹn nữa. Các bạn hãy truy cập vào trang web này của Andy Matuschak để hiểu rõ hơn về cách anh ấy tạo ra ever green note và liên kết các thông tin lại với nhau nhé.

Đọc sách hiệu quả level 6
Ví dụ mình đang link ý tưởng mình có sau khi đọc sách với chính quyển sách đó

Mình đánh giá level này là cực kỳ nâng cao và bạn không nhất thiết phải đạt tới tận level này mới được gọi là đọc sách hiệu quả. Ngay cả cá nhân mình cũng rất “ngại” công đoạn này và mình chỉ áp dụng phương pháp này với khoảng 40% những quyển sách mình đã đọc.

Kết luận

Các level này được mình tổng hợp lại sau khi tình cờ xem được video của Ali Abdaal về 7 level của việc đọc sách hiệu quả (video đấy tên là How I Remember Everything I Read). Tuy nhiên, sau hơn 2 năm áp dụng, mình đã sắp xếp lại thông tin, bổ sung thêm một số kinh nghiệm và trải nghiệm cá nhân vào, và tự chia lại thành 6 level của việc đọc sách. Mình tin chắc chắn rằng nếu hoàn thành tới level 6, bạn đã có thể tự tin khẳng định rằng “tôi nhớ được mọi quyển sách đã đọc”. Tuy nhiên, nếu bạn không thể lên tới level cuối cùng thì cũng đừng lo nhé. Hãy nhớ rằng “The best workout plan is the one that stick”. Do đó hãy cứ thoải mái thử nghiệm và xác định xem level mà bạn mong muốn đạt tới là gì.

Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình tới tận những dòng này. Hy vọng các bạn cũng cảm thấy bài viết này của mình là hữu ích nhé. Thank you guys and shout out for the amazing nerd Ali Abdaal again!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *