Home » Blog » Tất cả những gì bạn cần biết về Lối sống tối giản (Minimalism)

Tất cả những gì bạn cần biết về Lối sống tối giản (Minimalism)

Khi nhắc tới Sự tối giản (Minimalism), bạn sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên? Một phong cách thời trang? Một phong cách nghệ thuật? Hay một hiện tượng đang trending của giới trẻ? Sự thật thì Minimalism là một lối sống (life style) nổi lên từ những năm 2007 ở Mỹ. Tuy nhiên, khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, lối sống này đã trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết ở khắp nơi trên thế giới. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta hãy tìm hiểu xem Lối sống tối giản (Minimalism) thực sự là gì. Quan trọng hơn hết, hãy cùng nhau thảo luận xem liệu đây là con đường dẫn đến Tự do & Hạnh phúc hay chỉ là tự làm khổ bản thân nhé.

I. Lối sống tối giản (Minimalism): Giải thích theo cách không “công nghiệp”

Rất đơn giản thôi: Để có thể trở thành một người sống tối giản, bạn phải sở hữu ít hơn 100 món đồ, không được mua nhà mua xe, chỉ được có dưới 10 bộ quần áo và một ngày chỉ được ăn 3 bữa cơm trắng với muối vừng.

Mình đùa đấy =)) Mình đang bắt chước theo câu đùa kinh điển của The Minimalists khi giải thích về Minimalism. Rõ ràng là nó không phải như vậy. Tuy nhiên trong cuộc sống, mỗi khi nhắc đến cụm từ “sống tối giản”, phần lớn mọi người sẽ chỉ nghĩ đến việc bỏ bớt đồ đạc hoặc sống trong một túp lều tạm bợ. Chính vì thế mà The Minimalists đã nói rằng: “Vấn đề lớn nhất của Minimalism là làm sao để truyền thông đúng đến mọi người”. Sẽ rất khó để một người nào đó chủ động đọc về chủ đề này nếu như mặc định trong suy nghĩ của họ Minimalism là giới hạn và khổ cực.

Số lượng đồ vật bạn sở hữu không phải yếu tố quan trọng

Một điều rất quan trọng mà chúng ta cần hiểu, đó là việc bỏ đi bớt đồ đạc chỉ là 1 cách để thể hiện ra ngoài của lối sống tối giản. Bạn có thể làm như vậy nếu bạn thực sự mong muốn, tuy nhiên chúng ta luôn có hàng nghìn những lựa chọn khác. Ví dụ một cách dễ hiểu thì việc đi lên chùa thắp hương sẽ không khiến bạn trở thành sư thầy, hoặc việc vào nhà thờ chơi trong đêm Noel cũng không khiến bạn trở thành người theo Thiên Chúa giáo. Tương tự, vứt bỏ đồ đạc đi cũng không khiến bạn trở thành người sống tối giản.

Vậy cuối cùng thì như thế nào mới được gọi là sống tối giản

2 từ khoá quan trọng nhất ở đây là: “Cần” và “Đủ”

Hãy nói về “Cần” trước: Đây là kim chỉ nam của lối sống này. Chúng ta sẽ xác định những điều mình cảm thấy cần thiết trong cuộc sống, sau đó sẽ bỏ đi những thứ không mang lại giá trị gì cho chúng ta. Ví dụ, bản thân mình thích rất nhiều thứ như: viết blog, đọc sách, chơi game (mình chơi LoL nha), đá bóng, chụp ảnh và sưu tập cốc. Tuy nhiên sau khi xác định được những gì mang lại nhiều giá trị cho mình thì mình sẽ giữ lại, còn không thì bỏ đi. Trong danh sách bỏ đi đó bao gồm: đá bóng, chụp ảnh và chơi game.

Việc chọn lựa này mang tính cá nhân hoá rất cao vì chỉ có mình mới biết mình cần gì. Ví dụ, mình có sở thích sưu tập cốc. Mỗi sáng mình sẽ chọn pha cà phê vào một chiếc có màu sắc và thiết kế hợp với tâm trạng của mình lúc đó nhất. Nó giống như việc sáng dậy được chọn và mặc đúng chiếc áo mình thích ấy. Điều này đã là một phần trong thói quen của mình suốt nhiều năm nay và nó giúp mình bắt đầu ngày mới với một xíu niềm vui. Do đó mình sẽ không bỏ đi thói quen này. Ngược lại, bạn cùng phòng mình toàn kêu là tốn tiền với rác nhà, nếu mà là nó thì nó đã vứt hết từ lâu rồi. Chính vì vậy, chẳng có một tiêu chuẩn nào cho lối sống tối giản cả, nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn cảm thấy những gì là cần thiết.

cốc tối giản minimalism
Nhìn những chiếc cốc tối giản kiểu này xinh mà nhỉ

Tiếp theo, hãy nói về “Đủ”. Cũng ở ví dụ về cốc trên, nếu cứ thích là mua thì rồi cũng sẽ đến lúc mình sở hữu cả trăm chiếc cốc. Lúc này việc mỗi sáng ngủ dậy chọn cái cốc nào trong cả trăm cái đấy cũng đủ khiến mình stress rồi. Do đó, sau khi đã xác định được mình “cần” gì, thì bước thứ 2 là biết được bao nhiêu là “đủ”. Và tất nhiên, điều này cũng tuỳ thuộc vào mỗi người. Ví dụ với mình, việc sở hữu 6 chiếc cốc là đủ để mình dùng cho bất kỳ tâm trạng nào rồi. Tuy nhiên, những bạn có nội tâm phong phú hơn thì có thể cần tới 10 cái, 20 cái. Chẳng có một quy định nào về số lượng cả. Miễn là bạn thấy nó đủ với nhu cầu bản thân và không gây ra thêm stress thì bạn vẫn được coi là sống tối giản.

Thêm một lưu ý to nữa, đó là sống tối giản ở đây không chỉ mang ý nghĩa về vật chất, mà chúng ta còn tối giản cả về mặt tư duy và suy nghĩ của chúng ta nữa. Việc sở hữu ít đồ đạc hơn chỉ là một phần rất nhỏ của cả lối sống này. Ví dụ, có thể bạn luôn muốn học nhiều thứ nhất có thể để trở nên “toàn diện”. Do vậy bạn bắt đầu học chụp ảnh, học nấu ăn, học marketing, học chứng khoán, học bất động sản, học sửa động cơ ô tô, học hát, học khiêu vũ, học tiếng anh, học tiếng trung…… Tuy nhiên, thường thì việc này sẽ không mang lại hiểu quả nhiều bằng việc xác định một vài lĩnh vực phù hợp nhất với bạn và đào sâu về nó. Các cụ ta đã dạy “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề mà”. Các bạn có thể tham khảo thêm phương pháp Ikigai của người Nhật giúp xác định những lĩnh vực phù hợp nhất với mình nhé.

II. Sống tối giản có lợi ích gì?

Để trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này thì mình sẽ viết dưới dạng gạch đầu dòng nhé:

    • Chi tiêu ít hơn: Điều này quá rõ ràng rồi. Không ham muốn nhiều thì sẽ không mua nhiều. Không mua nhiều thì sẽ không chi tiêu nhiều.

    • Ít stress hơn: Như ví dụ về bộ sưu tập cốc của mình, tuy mình thích cốc nhưng việc có 100 chiếc thì chỉ làm mình stress hơn.

    • Làm việc năng suất hơn: Khi mình có ít thứ gây xao nhãng hơn thì mình sẽ dành được nhiều thời gian để tập trung cho công việc hơn

    • Tự do hơn: Ít đồ đạc sẽ giúp bạn tự do di chuyển tới bất cứ đâu mình muốn, đây là sự tự do về không gian. Ít sự xao nhãng hơn (VD: chỉ dùng Instagram chứ không dùng Facebook hoặc Tiktok) sẽ giúp bạn “tự do” hơn về mặt thời gian. Mua ít hơn sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn và dần dần là tự do tài chính.

    • Thực sự hiểu bản thân mình muốn gì và cần gì: Việc bạn dành thời gian suy nghĩ xem mình cần gì và bao nhiêu là đủ sẽ giúp bạn hiểu nhu cầu của bản thân hơn. Bạn sẽ có mục tiêu cụ thể cho cuộc sống của mình. Ví dụ như để đạt được Hạnh phúc, bạn cần một ngôi nhà 3 tầng, một gia đình nhỏ 4 người, một công việc được kính trọng và một tài khoản tiết kiệm 10 chữ số. Bạn sẽ có nhiều động lực để thực hiện hơn khi đã xác định được đích đến cụ thể. Còn nếu không xác định được mình cần gì, thì lúc đấy bạn sẽ sống cả đời theo tiêu chuẩn và sự áp đặt của xã hội. Chúng ta đều muốn có cuộc sống riêng của mình thay vì đi theo sự sắp xếp của người khác chứ nhỉ?

    • Hạnh phúc hơn: Và sau khi đã có được tất cả những điều trên, còn lý do gì có thể khiến cho cuộc sống của bạn chưa hạnh phúc nữa?

III. Sống tối giản có phải là tự làm khổ bản thân?

Nếu đã đọc đến đây thì có lẽ bạn cũng đã có câu trả lời cho chính mình rồi nhỉ. Ngoài ra, mình muốn note thêm một ý là Minimalism (sống tối giản) khác với Frugal (sống tiết kiệm, sống thanh đạm). Trong khi Frugal tập trung nhiều về số lượng món đồ bạn sở hữu hơn thì với Minimalism, nếu bạn cảm thấy đủ thì nó là đủ. Nếu việc vứt bỏ con gấu bông được bà ngoại mua cho từ bé khiến bạn đau khổ và khóc suốt cả tuần thì đừng làm như vậy. Rõ ràng là con gấu bông đấy đang mang lại giá trị rất lớn về mặt tinh thần cho bạn mà. Mình chỉ bỏ đi những gì không mang lại giá trị thôi.

IV. Câu chuyện của mình sau hơn 3 năm sống tối giản?

Tuy là một du học sinh Mỹ nhưng mình cũng xuất thân từ làng quê, cũng đã từng trốn học đi net, đi bắt châu chấu cào cào với những đứa bạn khác. Và sự thực thì kinh tế nhà mình cũng chẳng có gì vượt trội nên mình chưa bao giờ sống một cuộc sống giàu sang, được người này người kia chống lưng hay “ngậm thìa vàng” cả. Do vậy, khi ở bên Mỹ và chơi cùng nhóm với các bạn người Việt khác, mình đã cảm thấy rất tự ti về bản thân.

Mới đầu sang mình khá rụt rè, không dám kết thân với mọi người vì các bạn của mình ở bên đấy thực sự rất giàu. Họ đi shopping rất nhiều, mua những món đồ xa xỉ được vận chuyển hoả tốc từ Pháp đến Mỹ. Rồi những câu chuyện của họ cũng xoay quanh các thú vui như đánh gôn (golf), trượt tuyết hay việc mua bán đồ vật của các thương hiệu đắt đỏ mà mình chưa từng nghe qua. Chính vì “ngợp” như vậy nên mình luôn có cảm giác thấp kém và “không cùng đẳng cấp” so với mọi người.

Tuy nhiên, một lần tình cờ xem được video về cuộc sống tối giản của Matt D’Avella trên Youtube đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Mình dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và đặt ra khái niệm “hạnh phúc” và “thành công” của riêng mình. Trong thâm tâm mình cũng không coi việc sở hữu siêu xe, có nhà biệt thự hay mặc những món đồ tiền tỉ là thành công, “đẳng cấp” và hạnh phúc. Với mình, việc được làm những việc mình thích, bất cứ khi nào mình muốn, với bất cứ ai mình muốn, trong bao lâu tuỳ ý muốn mới là vô giá.

Sau khi không còn để sự tự ti về tài chính làm bức tường ngăn cách nữa thì mình đã đi chơi và nói chuyện với các bạn ấy nhiều hơn, và hoá ra bản chất họ cũng không hề chảnh hay ghê gớm như mình lo sợ. Họ cực kỳ thân thiện, tốt tính và là những người bạn tốt nhất của mình.

Ảnh minh hoạ lối sống tối giản
Finally having everyone in a pic

Dòng này là để thank you Thái, Vân, Vy, anh Chính, anh Tú, chị Như, chị Lily, anh Đạt… đã giúp đỡ em rất nhiều trong thời gian đầu em mới sang. Thật sự cảm ơn mọi người rất nhiều. À mà nếu có ai nhận ra anh chị và hỏi thì nhớ xác nhận chuyện này là thật cho em nha haha.

V. Kết luận và Cần những gì để bắt đầu một cuộc sống tối giản?

Kết luận lại thì bạn có thể tự gọi mình là người sống tối giản (Minimalism) hoặc là không. Điều đấy chẳng có gì quan trọng cả. Bạn có thể tự gọi mình là “Essentialism”, “Intentionalism”, “Means-ism” hoặc “bất kỳ thứ gì-ism” cũng được. Đừng để chữ “tối giản” khiến bạn sợ hãi và né tránh việc tìm ra niềm hạnh phúc thật sự của bản thân.

Còn với vế thứ 2, “Cần những gì để bắt đầu một cuộc sống tối giản?” thì bạn chỉ cần đọc hết bài viết này của mình để có những mindset đúng là đủ rồi. Ngoài ra nếu có thêm câu hỏi gì thì bạn hoàn toàn có thể gửi email trực tiếp cho mình theo địa chỉ email dưới chân trang nhé.

Thank you guys for reading, mình chúc các bạn sẽ tìm được cho bản thân những điều thực sự làm bạn hạnh phúc nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *