Sau khi đọc xong The Psychology of Money (Tâm lý học về tiền), điều quan trọng nhất chúng ta cần nhớ là: Tài chính là một môn tâm lý học chứ không phải toán học. Cuốn sách này sẽ giải thích lý do tại sao lại như vậy, và tâm lý của bạn có thể ủng hộ hoặc chống lại bạn như thế nào.
1. Những ai nên đọc “Tâm lý học về tiền”
Những ai hiểu cơ bản về Tự do Tài chính và muốn đạt tới được level đó, hoặc những ai muốn hiểu sâu hơn về mảng tâm lý học trong lĩnh vực tài chính, cụ thể là tâm lý học về tiền. Hiểu được các khái niệm cơ bản như chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu… thì sẽ càng tốt
2. Top 5 câu quote hay nhất
Mình sẽ áp dụng phương pháp Note nâng cao của Tiago Forte trong cuốn sách “Xây dựng Bộ não thứ 2” bằng cách gạch chân từ khoá theo từng layer giúp nhớ lâu và hiệu quả hơn. Các bạn có thể đọc thêm ở đây nhé.
1. Tài sản là khoản tiền chưa được sử dụng để mua sắm đồ vật nào cả. Nếu bạn tiêu tiền để mua đồ vật, cuối cùng bạn sẽ có đồ vật chứ không phải tiền.
2. Trở nên giàu có luôn luôn dễ hơn là Duy trì sự giàu có.
3. Khoản tiền thua lỗ do đầu tư không phải là tiền phạt cho sự yếu kém của bạn. Nó là khoản tiền (Mức giá) cần phải trả để “mua” sự thành công
4. Tài sản được tạo nên bởi việc chi tiêu ít đi. Bạn sẽ chi tiêu ít nếu bạn có ít ham muốn vật chất hơn. Và nó chỉ xảy ra khi bạn ít quan tâm về việc người khác nghĩ gì về bạn hơn
5. Việc được làm những việc mình thích, bất cứ khi nào mình muốn, với bất cứ ai mình muốn, trong bao lâu tuỳ ý muốn là vô giá
Nguyên văn bằng tiếng Anh:
1. Wealth is financial assets that haven’t yet been converted into the stuff you see. If you spend money on things, you will end up with the things and not the money.
2. Getting wealthy is always easier than Staying wealthy
3. A loss is not the fine, it is the fee (price) of success
4. Savings can be created by spending less. You can spend less if you desire less. And you will desire less if you care less about what others think about you
5. The ability to do what you want, when you want, with who you want, for as long as you want, is priceless
3. Cách áp dụng vào thực tế
4. Mình đã thay đổi thế nào sau khi đọc xong “Tâm lý học về tiền”
1. Mình đã xem Tài chính cá nhân như là 1 môn Tâm lý học nhiều hơn là Toán học. Do vậy mình có xu hướng đọc về những quyển sách liên quan đến tâm lý và hành vi con người nhiều hơn là đọc về phân tích số liệu.
2. Mình từng là 1 người rất máy móc. Mình từng làm gì cũng phải theo logic & lí trí, và mình kì vọng rằng người khác cũng vậy. Tuy nhiên mình đã nhận ra là con người không phải robot. Chúng ta có cảm xúc và bị cảm xúc chi phối rất nhiều. Do đó, đừng kì vọng lúc nào mọi người cũng hành động theo lí trí, nhất là trên thị trường chứng khoán
3. Đừng phán xét quyết định của người khác vì chúng ta không trải qua những điều giống họ. Chúng ta sống 1 cuộc sống khác họ, ở một môi trường khác họ, đọc những quyển sách khác họ, và học từ những người thầy khác họ. Như vậy thì làm sao chúng ta có thể hiểu hoàn toàn quyết định của họ
5. Tóm tắt chi tiết và đánh giá cá nhân
Mindset 1: Trở nên giàu có vs Duy trì sự giàu có
Đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau mà mọi người hay nhầm lẫn. Làm giàu thì luôn luôn dễ hơn việc duy trì sự giàu có đó. Có hàng triệu cách để trở nên giàu có và hàng nghìn cuốn sách dạy làm giàu trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, có rất ít tài liệu dạy chúng ta về cách để duy trì sự giàu có.
Đây là một điều vô cùng nghịch lý, bởi vì trước khi trở nên giàu có thì mình phải biết cách giữ tiền trước đã. Đừng tự bao biện rằng do công việc hiện tại lương quá thấp nên mình không thể dành ra một khoản để tiết kiệm hàng tháng, khi nào lương cao hơn thì mình sẽ tiết kiệm được. Hãy nhìn thẳng vào sự thật rằng mình đang có 1 lỗ hổng kiến thức trong kỹ năng quản lý tài chính.
Vấn đề này giống như việc bạn đang có 1 lỗ hổng trên con đê/đập vậy. Bạn không thể nào làm cho hồ nước đầy lên bằng cách đổ thêm nước vào hồ được. Nước vẫn sẽ chảy ra ngoài giống như dòng tiền của bạn thôi. Vì vậy, kiếm thêm tiền cũng không giúp bạn giàu được đâu, hãy lấp cái lỗ hổng đấy trước đã.
-> Kiếm thêm tiền thì rất khó, nhưng tiêu ít đi thì dễ hơn nhiều
Mindset 2: Tài sản là những gì bạn không nhìn thấy
Chúng ta thường đánh giá sự giàu có của mỗi người dựa trên những gì chúng ta thấy về người đó, tuy nhiên sự thật thì Giàu Có khác Nhiều Tiền. Có nhiều tiền là để chỉ trạng thái hiện tại của một người. Ngược lại, Sự Giàu Có là những gì mà chúng ta không thể dễ dàng nhìn thấy được, là những tài sản mà chưa được sử dụng để mua đồ tiêu sản.
Nếu ai đó xách túi Gucci khoác áo LV thì khả năng cao là hiện tại họ có nhiều tiền. Tuy nhiên, những thứ đó là tiêu sản nên chỉ sau khoảng 3 năm thì những món đồ đó sẽ bị giảm giá trị và làm tổng tài sản của mình bị giảm xuống
-> Nếu muốn trở nên giàu có thì cần phân biệt 2 khái niệm này để tránh dùng tài sản mua tiêu sản
Mindset 3: Xác định được thế nào là đủ
Kỹ năng khó nhất trong lĩnh vực tài chính là khả năng dừng lại khi đã có đủ. Không có lý do gì mà mình phải đánh đổi những gì mình đang có để lấy những thứ mình không cần cả. Ví dụ như ở trên đời này, có những điều mà không có tiền bạc nào có thể mua được như gia đình, danh dự hay bạn bè. Đây mới chính là thứ quý giá nhất mà mình nghĩ không nên đánh đổi dù bất kì giá nào.
-> Để xác định được như thế nào là “đủ”, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết của mình về Minimalism/Lối sống tối giản ở đây nhé
Mindset 4: Sự tự do
Level cao nhất và mục đích cốt lõi nhất của kiếm tiền là giúp con người đạt được tự do. Hạnh phúc không dựa vào số tiền bạn kiếm được, cũng không dựa vào việc nhà bạn to bao nhiêu. Hạnh phúc nhất là khi được làm bất cứ thứ gì mình thích, bất cứ khi nào mình muốn, với bất cứ ai và trong bao lâu tuỳ mình chọn.
Mindset 5: Không có gì là miễn phí
Ví dụ bạn muốn có 1 chiếc xe Lexus 570 và bạn có 3 sự lựa chọn sau:
-
- Bỏ tiền ra mua (biết là đắt nhưng chất lượng tương xứng)
-
- Mua 1 chiếc xe cũ đã qua sử dụng cho rẻ (không xịn bằng nhưng tiết kiệm được chút tiền)
-
- Ăn trộm một chiếc (không mất gì mà vẫn có xe)
Để có được những mã chứng khoán tốt thì bạn cũng có 3 cách:
-
- Bỏ tiền mua dù biết là nó sẽ có lên có xuống (biết là đắt nhưng chất lượng tương xứng).
-
- Mua những mã lợi nhuận thấp hơn nhưng ít bị lên xuống (không xịn bằng nhưng tiết kiệm được tiền).
-
- Tìm những mã lợi nhuận cao mà không rủi ro (không mất gì mà vẫn có mã cổ phiếu tốt).
Đối với việc mua xe, chắc chắn chẳng có ai chọn cách số 3 cả. Nhìn vào thực tế, ví dụ trên thị trường chứng khoán, tuy lãi trung bình là 11%/năm những cũng có vô số lần sập thị trường. Vậy nhưng rất nhiều người vẫn đang đầu tư theo kiểu thứ 3, trong khi nó chẳng khác gì đi ăn trộm cả. Họ cứ hy vọng sẽ giàu mà không phải trả bất cứ cái giá nào cả.
-> Nó giống việc mình đi mua đồ ý, mình đang trả tiền để mua một món đồ tốt. Đầu tư cũng vậy, mình đang trả tiền để mua sự giàu có chứ không có cái gì miễn phí đâu. Đừng nghe mấy ông trên mạng dạy không cần đầu tư tiền hay thời gian học hỏi mà vẫn giàu được.
Mindset 6: Sự kiên trì
Warren Buffett là tỉ phú giàu nhất thế giới trên sàn chứng khoán và hiện đang sở hữu gần 500 mã cổ phiếu. Tuy nhiên chỉ chưa tới 10 mã cổ phiếu thực sự mang lại nhiều tiền cho ông ấy. Chúng ta thường không để ý tới điều này vì truyền thông luôn luôn chỉ nhắc đến những thứ hào nhoáng để hút view bán khoá học mà không đề cập sự kiên trì của Warren Buffett. Nó làm chúng ta quên mất rằng những kết quả đó phần lớn là đến từ 1 vài lần chọn đúng trong hàng tá những lần chọn sai.
-> Do vậy, dù bạn đã thất bại 10 lần hay 100 lần trước đó thì bạn vẫn có thể trở thành tỉ phú với chỉ 1 lần thành công. Hãy tiếp tục cố gắng, làm 1000 lần thì chắc chắn sẽ có 1 lần thành công. 1 lần là quá đủ để trở nên giàu có rồi.
Mindset 7: Hợp lý > Logic & Lý thuyết
Chúng ta không phải là 1 con robot hay 1 cái máy tính vô tri. Chúng ta là những con người có cảm xúc và dễ bị cảm xúc chi phối. Do đó, ở trong lĩnh vực tài chính này, đừng lên kế hoạch 1 cách máy móc và tự tin rằng mình sẽ làm theo. Hãy lên 1 kế hoạch hợp tình hợp lý, nó sẽ giúp chúng ta dễ thực hiện được hơn.
Ví dụ: Vào năm 2008, 1 nhóm nghiên cứu thuộc đại học Yale đã chỉ ra rằng cách tốt nhất để đầu tư chứng khoán cho người trẻ đó là sử dụng đòn bẩy (margin). Chắc chắn làm như vậy sẽ bị cháy tài khoản rất nhiều lần. Tuy nhiên cứ làm như vậy liên tục trong hàng chục năm thì cuối cùng bạn vẫn sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Lý thuyết thì là như vậy, nhưng nó lại chẳng hợp lý chút nào khi áp dụng vào thực tế. Đó là bởi vì chẳng có người bình thường nào chịu được cảnh nhìn toàn bộ tiền tiết kiệm của mình bốc hơi sau một đêm hàng trăm lần cả, mình thà đi tìm cách khác để kiếm tiền còn hơn.
Mindset 8: Không có ai là bị điên cả
Chúng ta thường nghĩ rằng tại sao ai đó lại có thể đưa ra những quyết định khó hiểu như vậy. Họ bị điên à mà lại đi mua cái món hàng đó? Bị dở à mà lại bán nhà để đầu tư chứng khoán & tiền ảo? Tuy nhiên không có ai thực sự bị “điên” cả. Vấn đề ở đây là so với chúng ta, họ khác về thế hệ, khác bố mẹ, khác cách được nuôi dạy, khác tuổi thơ, khác tầng lớp giai cấp, khác vùng miền, khác về trải nghiệm cuộc sống. Quá nhiều thứ khác như vậy thì tại sao mình lại kì vọng họ phải suy nghĩ theo logic của chúng ta?
Ví dụ: Phần lớn người nghèo đều thích mua vé số. Theo một thống kê thì ở Mỹ, người nghèo thường dành khoảng 10tr/năm để mua vé số. Vậy nhưng khi được hỏi thì 100% họ đều nói rằng mình không thể nào để dành ra được 10 triệu mỗi năm cho quỹ tiết kiệm. Khi nghe đến đây có lẽ chúng ta đều cảm thấy thật nực cười cho sự bao biện của họ. Tuy nhiên, đối với họ, việc mua vé số chính là cơ hội duy nhất để họ có thể đạt được giấc mơ trở nên giàu có. Họ đang trả tiền để “mua” cơ hội duy nhất này.
Mình khẳng định rằng đối với mình, việc bỏ 10tr/năm để mua vé số trong khi đang nghèo là một quyết định tệ hại, tuy nhiên thì mình cũng phần nào hiểu được lý do tại sao họ lại làm thế.
-> Con người có thể đưa ra những quyết định tệ hại, nhưng đó là do logic của họ đang khác chúng ta chứ không phải do họ bị điên. Đừng phán xét họ và đừng để những logic của họ làm mình nghi ngờ quyết định của bản thân.
Đó là tất cả những gì mình đã học và áp dụng được sau khi đọc xong quyển sách “Tâm lý học về tiền”. Các bạn có thể đọc review của những người khác về sách tại đây nha. Nếu còn điều gì mình bỏ sót thì bạn hãy comment xuống phía dưới để chúng ta cùng trao đổi nhé. Thanks for reading guys!
This is a great post. It’s very engaging and well organized. I’ll check back for more posts like this one.