Home » Blog » Phương pháp học hiệu quả giúp mình đạt GPA 4.0 tại Mỹ

Phương pháp học hiệu quả giúp mình đạt GPA 4.0 tại Mỹ

Nếu có ai hỏi bí quyết học tập của mình là gì mà chỉ cần học hơn 3 năm là đã tốt nghiệp 2 chuyên ngành (Finance và Supply chain) với mức GPA 3.6, thì câu trả lời của mình chắc chắn sẽ luôn là Notion (mình đạt GPA 4.0 trong 2 năm đầu tiên và GPA tổng 3.6 khi tốt nghiệp). Đây là một Bộ Não Thứ Hai đã thay mình ghi nhớ tất cả những kiến thức đã học. Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn cách mình đã sử dụng Notion để học hiệu quả hơn như thế nào nhé.

3 phương pháp học hiệu quả

Những điểm hạn chế của cách học truyền thống

Có 1 thực tế mà có lẽ tất cả chúng ta đều biết, đó là để có thể nhớ lâu được bất cứ kiến thức gì thì đầu tiên chúng ta phải hiểu nó đã. Nếu mình chỉ nhớ các bước giải toán mà không hiểu tại sao lại làm như vậy thì đó là học vẹt. Học như thế thì rất nhanh quên. Ngoài ra thì trừ khi bài thi giống y hệt thì mình mới làm được, còn biến đổi 1 chút là mình sẽ không biết làm ngay. Chính vì vậy, việc quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu bản chất của những kiến thức đã học.

Tiếp theo, sau khi đã hiểu rồi thì mình sẽ cần phải học thuộc và ôn tập một cách khoa học. Mình nghĩ rằng, phần lớn chúng ta đi học đều chỉ note và ghi chép lại kiến thức. Nâng cao hơn 1 chút thì dùng bút nhớ để highlight những ý chính. Tuy nhiên, theo như rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc chỉ highlight như vậy gần như ko có tác dụng gì trong việc giúp mình ghi nhớ kiến thức cả. Mình sẽ cần những phương pháp tốt hơn thế.

3 phương pháp học hiệu quả với Notion

1. Phương pháp Active recall (chủ động gợi nhớ)

Khi ôn tập chuẩn bị cho kì thi, thường thì chúng ta sẽ cố gắng học thuộc lòng đề cương bằng cách nhẩm đi nhẩm lại hàng chục lần. Tuy nhiên đây là một cách học thụ động, và theo rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh thì phương pháp này không hề hiệu quả. Khi học thụ động như vậy, não chúng ta sẽ rất ít phải vận động. Do đó, kiến thức sẽ không thể “in sâu” vào trí nhớ của chúng ta được. Thay vào đó, chúng ta cần một phương pháp học chủ động hơn, hay cụ thể ở đây mình muốn nói tới là phương pháp Active recall. Về cơ bản, thay vì chỉ note lại những ý chính hoặc highlight bằng bút nhớ, chúng ta sẽ tự đặt ra câu hỏi cho những ý chính đó.

 Ví dụ, thay vì note “Đầu tư vào Mutual Fund (quỹ tương hỗ) là cầm tiền của mình đi nhờ các chuyên gia chứng khoán khác đầu tư hộ và hõ sẽ cố gắng giúp tỉ lệ return của mình cao hơn tỉ lệ return của thị trường”, chúng ta sẽ chỉ note là “Đầu tư vào Mutual Fund (quỹ tương hỗ) là gì?”. Như vậy, chúng ta sẽ “bắt” não bộ của mình phải hoạt động để cố gắng nhớ lại những kiến thức trên thay vì chỉ đọc lướt qua bằng mắt như khi học thụ động. Chắc chắn rồi, việc này sẽ giúp mình nhớ lâu hơn.

Học hiệu quả active recall
Mình đang dùng tính năng Toggle list của Notion để ẩn câu trả lời

Notion có một tính năng cực kỳ hay mà những app khác chưa có, đó chính là Toggle list. Đây là một tính năng giúp ẩn đi những thông tin nhỏ và chỉ hiện 1 câu chủ đề chính. Bạn có thể nhìn hình ảnh dưới đây để dễ hiểu hơn. Nhờ tính năng này, mình sẽ chỉ để hiện câu hỏi thôi, sau khi tự trả lời rồi mình mới bấm vào toggle list để đối chiếu với đáp án. 

Hơn nữa thì khi tóm tắt lại kiến thức bằng toggle list, bạn hãy chia luôn những kiến thức đó theo từng chương và từng đầu mục khác nhau nhé. Việc này sẽ giúp bạn hệ thống lại kiến thức 1 cách khoa học, từ đó càng hiểu sâu hơn về những gì mình đã học được.

học hiệu quả toggle list
Sau khi đã tự trả lời, mình sẽ bấm vào để kiểm tra đáp án

2. Take note theo phương pháp Cornell (Cornell note taking)

Mục đích chính của phương pháp này là để take note trên lớp 1 cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cách áp dụng của mình để giúp chuyển cách học từ thụ động sang chủ động nhé. Bằng cách chia trang giấy thành 3 phần gồm Notes, Câu hỏi gợi nhớ và Tóm tắt, chúng ta sẽ có thể tối ưu hóa quá trình học và ôn tập kiến thức của mình.

học hiệu quả phương pháp cornell
Mình áp dụng phương pháp Cornell cho 1 lớp học Tài chính

Cột Notes là nơi mình ghi một số những Keyword quan trọng mà chỉ cần đọc những keywords đó thôi là mình có thể nhớ được phần lớn kiến thức. Cột Câu hỏi gợi nhớ là nơi mình tự đặt ra những câu hỏi giúp gợi nhớ kiến thức, tương tự như phương pháp Active Recall. Cột Tóm tắt là nơi mình sẽ tóm tắt ngắn gọn lại những gì đã học. Ở đây là do mình thích tóm tắt theo dạng gạch đầu dòng, nếu các bạn muốn thì có thể tóm tắt thành từng đoạn văn cũng được.

Với hệ thống notes theo phương pháp Cornell này, khi ôn tập lại kiến thức để chuẩn bị thi, thường thì mình chỉ cần học hết 3 cột trên là đã nắm được hết những ý chính rồi. Đồng thời, vì đây là cách học chủ động nên mình cũng sẽ nhớ vô cùng lâu. Nếu sử dụng Notion, hãy kết hợp với tính năng Toggles list như mình đã giới thiệu ở trên để học hiệu quả hơn và ghi nhớ tốt hơn nhé.

3. Phương pháp Spaced repetition

Cuối cùng là Spaced repetition (ôn tập ngắt quãng), một phương pháp mà mình thường xuyên áp dụng để ôn tập lại kiến thức trước khi bước vào các kỳ thi. Phương pháp này được đưa ra dựa trên một nghiên cứu về khả năng ghi nhớ của con người có tên là “Forgetting curve”. Về cơ bản, kiến thức của chúng ta sẽ bị mai một đi sau 1 khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, mỗi khi chúng ta ôn tập lại thì cái “khoảng thời gian cần để quên” này sẽ được kéo dài hơn. 

Ví dụ, ban đầu sau 7 ngày mình sẽ quên hết những kiến thức đã học, như vậy “khoảng thời gian cần để quên” của mình là 7 ngày. Tuy nhiên, nếu trong vòng 7 ngày đó mình mở ra ôn lại thì lần này “khoảng thời gian cần để quên” của mình sẽ được kéo dài lên 10 ngày, nghĩa là mình sẽ mất 10 ngày để quên hết những kiến thức đã học. Hành động ôn lại nhiều lần này được gọi là Spaced repetition (ôn tập ngắt quãng)

Spaced repetition
Phương pháp Spaced repetition

Cá nhân mình, mình sẽ ôn tập lại 3 lần và setup 1 bảng theo dõi như trong ảnh, mỗi lần ôn lại là mình sẽ tích vào ô đó. Như vậy thì mình sẽ không phải nhớ trong đầu xem kiến thức này đã ôn lại đủ 3 lần chưa. Việc “nhờ” máy móc nhớ hộ để giải phóng dung lượng cho bộ não của chúng ta cũng chính là ý nghĩa lớn nhất của việc xây dựng Bộ Não Thứ Hai (Second Brain). Các bạn có thể đọc thêm về chủ đề này ở đây nhé

học hiệu quả review
Ví dụ về 1 số môn mình học hồi đại học

Kết luận

Trên đây là 3 phương pháp học hiệu quả nhất đã giúp mình đạt mức GPA 4.0 trong 2 năm đầu tiên và GPA tổng 3.6 khi tốt nghiệp khi còn học đại học. Tổng kết lại, tất cả những gì bạn cần làm đó là:

  1. Note lại kiến thức bằng phương pháp Cornell.
  2. Áp dụng phương pháp Active recall và tính năng toggle list trên Notion để tự đặt câu hỏi.
  3. Ôn tập lại trước mỗi kì thi bằng phương pháp Spaced repetition.

Mình còn một lưu ý cuối cùng, đó là các bạn hãy nhớ sử dụng tính năng Toggle list thường xuyên để chuyển từ việc học thụ động sang thành học chủ động nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc tới đây và mình rất hy vọng các bạn cũng cảm thấy bài viết của mình là hữu ích. Thank you guys and we will see you in next post.

One comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *